Mục lục
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính rất nguy hiểm, gây ra bởi trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani. Loại trực khuẩn này phát triển mạnh trong điều kiện yếm khí trong cơ thể người và tạo nên độc tố thần kinh tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh cơ. Hệ cơ bắp được điều khiển bởi dây thần kinh cơ sẽ trở nên tê cứng.
Uốn ván là bệnh gì?
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng nề, có tỷ lệ tử vong cao do độc tốc mạnh của trực khuẩn uốn ván gây ra. Trực khuẩn này có tên gọi là Clostridium tetani. Khi bị nhiễm khuẩn, độc tố protein mạnh là tetanospasmin do trực khuẩn Clostridium tetani tiết ra sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây tổn thương não, hệ thần kinh trung ương, dãn đến cứng cơ và có thể gây tử vong nhanh.
Độc tố thần kinh trực khuẩn uốn ván tiết ra có thể hòa tan vào máu và đi đến nhiều cơ quan và bộ phận của cơ thể. Độc tố có thể tác động đến phổi gây ngừng thở, tác động đến tim gây trụy tim, nếu không được chữa trị kịp thời thì nguy cơ tử vong rất cao (khoảng 85%). Thậm chí nếu có qua khỏi bệnh thì bệnh nhân uốn ván vẫn có thể chịu những di chứng nặng nề.
Bệnh uốn ván cũng là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh. Theo những số liệu nghiên cứu thì khoảng 90% ca mắc bệnh uốn ván sơ sinh đều không qua khỏi. Do đó, việc tiêm phòng uốn ván cho mẹ bầu là vô cùng quan trọng giúp bảo vệ cả mẹ lẫn con.
Bệnh uốn ván có các loại như uốn ván sơ sinh, uốn ván toàn thân và uốn ván cục bộ. Bệnh uốn ván không lây nhiễm và có thể phòng ngừa bằng vắc xin.
Tỷ lệ tử vong khi mắc uốn ván là rất cao, 25 – 90%, nhất là uốn ván ở trẻ sơ sinh, con số này lên tới 95%. Bệnh phân bố khắp các tỉnh thành trong cả nước, ai cũng có thể mắc và có thể gặp ở bất cứ mùa nào trong năm. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, nhất là khi không tham gia chương trình Tiêm chủng mở rộng thì tỷ lệ nhiễm bệnh càng cao.
Con đường lây truyền bệnh uốn ván
Thông thường các nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết thương, các vết rách, vết bỏng, do nhiễm bẩn hoặc do tiêm chích nhiễm bẩn. Những cuộc phẫu thuật, thẩm mỹ, nạo phá thai được thực hiện trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh cũng có nguy cơ nhiễm uốn ván. Hoặc cả những trường hợp hoại tử bị nhiễm khuẩn cũng gây ra bệnh này.
Với trẻ sơ sinh, quy trình cắt và chăm sóc rốn không đảm bảo vệ sinh khiến cho nha bào uốn ván xâm nhập vào cơ thể gây bệnh. Những trường hợp này thường gặp ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, trong trường hợp đẻ rơi, đẻ rớt không kịp tới bệnh viện hoặc do chăm sóc trẻ sau sinh không đảm bảo.
Tuy nguy hiểm và dễ mắc nhưng thật may vì uốn ván không lây trường từ người sang người.
Nguyên nhân gây uốn ván
Nguyên nhân trực tiếp gây uốn vàn là sự xâm nhập của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani thông qua các vết thương, vết trầy xước… Trực khuẩn này thường có trong đất cát, phân gia cầm, phân trâu bò, dụng cũ phẫu thuật không được khử khuẩn kỹ… Chúng xâm nhập vào các vết thương, phát triển thành ổ nhiễm trùng và gây nên bệnh uốn ván rất nguy hiểm.
Bệnh uốn ván (hay còn được gọi là bệnh phong đòn gánh) gây nên bởi trực khuẩn Clostridium tetani có mặt khắp nơi trên thế giới và chủ yếu được tìm thấy trong đất. Trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở, sinh sôi nảy nở và giải phóng chất độc bám vào các sợi thần kinh. Sau đó, chất độc theo các chất dẫn truyền thần kinh đi vào tủy sống và não, ngăn tín hiệu hỏa học truyền đến cơ. Cơ sẽ bắt đầu bị co cứng và giật liên hồi, bệnh nhân có thể tử vong do ngừng thở.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh uốn ván:
- Chưa có kháng thể chống lại bệnh uốn ván. Thiếu hệ miễn dịch do chưa được tiêm phòng uốn ván hoặc tiêm uốn ván đã lâu.
- Mô bị tổn thương.
- Vết thương bị nhiễm khuẩn, sưng tấy.
- Sự tấn công của các vi khuẩn gây bệnh khác.
Những loại vết thương làm tăng nguy cơ mắc bệnh uốn ván:
- Vết thương do bị đạn bắn.
- Những vết thương hở do xăm mình, vết tiêm hay xỏ khuyên.
- Vết bỏng.
- Gãy xương hở.
- Vết thương sau khi phẫu thuật.
- Vết cắn của động vật.
- Viêm loét nhiễm trùng ở chân.
Khi gặp những vết thương này mà chưa tiêm phòng uốn ván hoặc tiêm phòng đã lâu thì đừng tự hỏi uốn ván có sốt không vì khi đã có triệu chứng thì đã quá trễ.
Mắc bệnh uốn ván có sốt không?
Bệnh uốn ván có thời gian ủ bệnh trung bình từ 1 - 2 tuần từ khi bị nhiễm khuẩn uốn ván. Trong các loại uốn ván thì uốn ván toàn thân là thường gặp nhất với biểu hiện là tăng trương lực cơ toàn thân. Lúc đầu, cơ nhai bị cứng gây nuốt khó, sau đó là đau cổ và vai. Sau đó, triệu chứng cứng cơ lan đến các nhóm cơ khác trên cơ thể. Cơ mặt co cứng gây nên nét mặt nhăn nhó, cơ chi trương cứng gây khó cử động, cơ bụng trương cứng gây phình bụng và cơ lưng co cứng lại tạo nên tư thế lưng uốn cong đặc trưng của bệnh.
Nghiêm trọng hơn, một số bệnh nhân còn có triệu chứng co cứng toàn thân cường độ mạnh và xuất hiện những cơn đau và co thắt khiến hệ hô hấp ngừng hoạt động. Các cơn co cứng này có thể lặp đi lặp lại khiến bệnh nhân đau toàn thân mỗi khi có kích thích hoặc ngay cả lúc không có sự kích thích nào cả. Về uốn ván có sốt không thì một số trường hợp, bệnh nhân bị co cứng gây chướng bụng, gặp khó khăn về ăn uống và có thể bị sốt. Nhưng thông thường thì uốn ván không gây sốt.
Ngoài việc uốn ván có thể gây sốt thì còn gây rối loạn thần kinh thực vật làm tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim. Tim bệnh nhân đập nhanh liên hồi kèm với cơn sốt cao và ra nhiều mồ hôi. Một biến chứng khác là hạ huyết áp và chậm nhịp tim. Bệnh nhân cũng có thể gặp những biến chứng nghiêm trọng như tim ngừng đập, gãy xương, lóe cơ, ly gải cơ vân…
Uốn ván cục bộ thì ít gặp hơn uốn ván toàn thân. Biểu hiện của bệnh chỉ giới hạn quanh vùng vết thương. Uốn ván đầu là một biến thể hiếm gặp của uốn ván cục bộ, bệnh nhân mắc phải sau khi bị nhiễm khuẩn tai hoặc chấn thương đầu. Triệu chứng của bệnh là cứng hàm hoặc rối loạn chức năng dây thần kinh như dây thần kinh số 7. Đây là bệnh có tỷ lệ tử vong cao.
Uốn ván sơ sinh thường xuất hiện trong 2 tuần đầu sau khi sinh. Dấu hiệu của bệnh là bé bỏ bú, cứng cơ và có dấu hiệu co giật. Nếu trẻ sơ sinh bị nhiễm uốn ván thì nguy cơ tử vong rất cao (khoảng 90%).
Biểu hiện bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván không biểu hiện ngay mà thời gian ủ bệnh khá lâu. Bệnh thường trải qua 4 giai đoạn là: Ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và lui bệnh. Mỗi giai đoạn bệnh lại có những biểu hiện khác nhau, giúp người bệnh có thể nắm bắt được tình trạng bệnh lý của mình.
Thời kỳ ủ bệnh
Thời kỳ này được tính từ lúc có vết thương đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên, có thể từ 3 – 21 ngày, với biểu hiện đầu tiên là cứng hàm. Có khoảng 15% trường hợp khởi phát bệnh trong 3 ngày từ khi bị thương, 10% trong 14 ngày. Trung bình thì bị thương 7 ngày sẽ có triệu chứng đầu. Thời kỳ ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng.
Thời kỳ khởi phát
Giai đoạn này tính từ khi có biểu hiện đầu tiên là cứng hàm cho đến khi có cơn co giật đầu tiên hoặc có cơn co thắt hầu họng, thanh quản. Thời gian xuất hiện những biểu hiện này thường từ 1 – 7 ngày, nếu thởi gian khởi phát càng ngắn, dưới 48h thì bệnh càng nặng.
Người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng như: mỏi hàm, khói nuốt, khó nhai, khó há miệng. Sau đó, sự co cứng này còn lan ra các cơ quan khác như co cơ mặt khiến nếp nhăn trán rõ hơn, hai chân mày cau lại; co cứng cơ gáy khiến cổ bị cứng và ngửa dần; co cứng cơ lưng; co cứng cơ bụng sờ vào có thể thấy rõ; co cứng cơ chi trên khiến tay luôn ở tư thế gập…
Những cơn co cứng này khiến người bệnh cảm thấy đau đớn, khó vận động. Ngoài ra, còn một vài biểu hiện khác nữa là sốt cao, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh…
Thời kỳ toàn phát
Đây là giai đoạn nặng của bệnh với nhiều triệu chứng rõ ràng, được tính từ khi có cơn co giật toàn thân, co thắt hầu họng, thanh quản đầu tiên đến khi bắt đầu lui bệnh. Thường thì giai đoạn này kéo dài 1 – 3 tuần với các biểu hiện như co cứng toàn thân, khó thở, tím tái, co cắt cơ vòng gây bí tiểu, bí đại tiện…
Những trường hợp nặng còn bị rối loạn thần kinh thực vật với những biểu hiện như da xanh tái, sốt cao 39 – 40 độ hoặc hơn, đờm dãi tiết nhiều, vã mồ hôi, tăng hoặc hạ huyết áp, loạn nhịp tim hoặc có thể ngừng tim.
Thời kỳ lui bệnh
Lúc này, các cơn co giật cũng như những biệu hiện khác đã bắt đầu thưa dần, nhẹ hơn, miệng đã có thể há rộng, phản xạ nuốt trở lại. Giai đoạn này thường kéo dài vài tuần hoặc hàng tháng tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh.